Xuyên tiêu là loại cây bụi leo,
có gai có rất nhiều công dụng trong các bài thuốc chữa đau bụng, thổ tả, phong
thấp. Quả xuyên tiêu tán bột có thể chữa sâu răng, đau răng hiệu quả.
Tên khác: Sưng, Trưng, Hoàng lực.
Tên khoa học: Zanthoxylum sp., họ Cam (Rutaceae). Nước ta có nhiều loại thuộc
chi Zanthoxylum.
Mô tả: Cây bụi, leo, thân có gai. Cành vươn dài ra. Lá dạng kép lông chim,
mọc so le, gồm 5 lá chét nguyên. Hai mặt lá đều có gai ở chân, nhất là cuống lá
và gân chính. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, hình chùm. Hoa trắng nhỏ, đơn tính. Quả có
1-5 mảnh vỏ, mỗi mảnh đựng một hạt màu đen bóng.
Bộ phận dùng: Rễ, vỏ thân, cành, quả phơi khô.
Thành phần hóa học chính: Tinh dầu (2-4%).
Công dụng, cách dùng, liều lượng: Quả chữa đau bụng lạnh, ho, nôn mửa, ỉa
chảy, nhức răng (sắc ngậm 30 phút rồi nhổ đi). Mỗi ngày dùng 4-12g, sắc uống hoặc
tán thành bột. Rễ dùng chữa phong thấp gọi là Hoàng lực. Ngày uống 12-20g dạng
thuốc sắc.
Bài thuốc:
1. Trị cảm lạnh đau bụng, hoặc thổ tả: Xuyên tiêu, Can khương,
Phụ tử chế, Bán hạ chế mỗi vị 6g, sắc uống.
2. Trị phong thấp, khớp xương sưng đau: Rễ Xuyên tiêu, Cốt
khí củ, Phòng kỷ, Ngưu tất, Tỳ giải, Cẩu tích, Dây đau xương, mỗi vị 12g, sắc uống
mỗi ngày một thang.
3. Trị mụn ổ gà trong nách: Rễ Xuyên tiêu mài với giấm đến
khi đặc, bôi vào vết mụn, chờ đến khi khô lại bôi thêm lần nữa, bôi 2-3 ngày.
4. Trị đau răng, sâu răng, đau cổ họng: Quả Xuyên tiêu ngâm
rượu ngậm, súc miệng hoặc tán bột xỉa vào chỗ đau.
5. Trị ho, viêm họng, sổ mũi, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, sốt
rét: Quả Xuyên tiêu ngày 3-5g dạng thuốc sắc, thuốc bột.
6. Trị rắn cắn: Dùng quả Xuyên tiêu, phối hợp với hạt Hồng
bì, rễ Đu đủ làm thành bột bôi xung quanh vết cắn.
*Lưu ý: Các bài thuốc chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.
*Lưu ý: Các bài thuốc chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.